Danh mục
Tìm sản phẩm, danh mục hay thương hiệu mong muốn...
Ý tưởng thiết kế

Mã lỗi thường gặp ở bếp từ - Nguyên nhân và cách xử lý

mã lỗi bếp từ

Trong bài viết này, hãy cùng Hafelehome tìm hiểu các mã lỗi thường gặp trên bếp từ, phân tích nguyên nhân và cách khắc phục lỗi hiệu quả, nhằm giúp bạn duy trì sản phẩm của mình luôn trong tình trạng tốt nhất. 

Mã lỗi phổ biến ở bếp từ và cách khắc phục 

Trước khi khám phá nguyên nhân và biện pháp khắc phục cho các mã lỗi, bạn hãy xem qua bảng dưới đây để hiểu rõ hơn về các mã lỗi thường gặp trên bếp từ và ý nghĩa của chúng: 

Mô tả lỗi 

Lỗi E0

Nồi không phù hợp  

Lỗi E1 

Bếp từ bị quá nhiệt 

Lỗi E2 

Nguồn điện đầu vào quá cao hoặc quá thấp 

Lỗi E3 

Nguồn điện áp vào bếp quá thấp 

Lỗi E4 

Sử dụng bếp ở công suất cao quá nhiều 

Lỗi E5 

Lỗi IGBT hoặc cảm biến nhiệt độ mặt kính bị lỗi 

Lỗi E6 

Bếp gặp phải vấn đề với cảm biến nhiệt 

Mã lỗi E0 - Nồi không phù hợp 

Mã lỗi E0 trên bếp từ thường báo hiệu rằng nồi nấu và bếp chưa tiếp xúc được với nhau hoặc chưa hấp thụ nhiệt. Khi gặp mã lỗi E0, bếp sẽ không bắt đầu quá trình đun nấu và thường kèm theo tín hiệu báo động hoặc âm thanh bíp liên tục để người dùng chú ý. 

Nguyên nhân: 

  • Không có nồi khi bếp đang bật: Bếp từ hoạt động dựa trên nguyên lý cảm ứng từ, nếu không có nồi trên bếp hoặc nồi đã được di chuyển khỏi vùng nấu, bếp sẽ không thể tạo ra nhiệt. 
  • Nồi không phù hợp: Để sử dụng trên bếp từ, đáy nồi cần được làm từ vật liệu từ tính (sắt, thép không gỉ, gang,..), có khả năng hấp thụ từ trường của bếp từ và chuyển đổi năng lượng đó thành nhiệt. Những nồi có chất liệu như đồng, nhôm hoặc thủy tinh thì không thích hợp cho loại bếp này. 
  • Nồi quá to hoặc bé hơn so với vùng nấu: Kích thước phổ biến của vùng nấu trên bếp từ thường bao gồm: vùng nấu nhỏ có đường kính khoảng 14-16cm, vùng nấu trung bình khoảng 18-21 cm, và vùng nấu lớn là 23-28cm. Nồi hoặc chảo có kích thước không tương thích so với vùng nấu, có thể không hiệu quả trong việc truyền nhiệt, dẫn đến việc tiêu hao năng lượng không cần thiết và giảm hiệu suất của bếp từ. 

Cách khắc phục: 

  • Đảm bảo rằng bạn đang sử dụng nồi chuyên dụng cho bếp từ, làm bằng chất liệu như sắt, gang, thép không gỉ,... 
  • Đáy nồi phải phẳng và tiếp xúc trực tiếp với mặt bếp để nhiệt được truyền đều. 
  • Đặt nồi chính xác trên vùng nấu được đánh dấu trên bếp, vì chỉ những khu vực này mới có khả năng sinh nhiệt. 
  • Sử dụng nồi có kích thước phù hợp với vùng nấu của bếp từ.  

Nếu sau khi thực hiện các bước trên mà mã lỗi E0 vẫn hiển thị, bạn có thể cần kiểm tra lại sách hướng dẫn sử dụng hoặc liên hệ với trung tâm bảo hành để được hỗ trợ kỹ thuật, vì có thể có vấn đề với cảm biến của bếp từ.

Thông tin liên quan: Bếp từ dùng nồi gì? Cách chọn chất liệu nồi phù hợp 

mã lỗi E0

 

Mã lỗi E1 - Bếp từ bị quá nhiệt 

Khi bếp từ xuất hiện lỗi E1, màn hình của bếp sẽ trực tiếp hiển thị mã lỗi này, cảnh báo rằng tình trạng bếp đang bị quá nhiệt. Thông thường, bạn cũng có thể nhận thấy nhiệt độ của bếp tăng lên đáng kể, và bếp có khả năng tự động ngắt để ngăn việc hư hại nghiêm trọng hơn. 

Nguyên nhân: 

  • Bếp hoạt động trong thời gian dài: Khi bếp từ liên tục hoạt động trong thời gian dài, nhiệt độ có thể tăng lên vượt quá mức cho phép, dẫn đến lỗi E1. 
  • Môi trường quá nóng: Đặt bếp ở nơi quá nóng (vượt quá 40 độ C) hoặc thiếu không gian thoáng khí xung quanh cũng có thể gây ra lỗi này. 
  • Quạt tản nhiệt bị hỏng: Khi quạt tản nhiệt trong bếp từ tích tụ bụi bẩn, các linh kiện bị cũ, sự cố điện, hoặc sử dụng bếp từ không đúng cách dẫn đến quá tải, chúng có thể gây giảm hiệu quả tản nhiệt, làm tăng ma sát và phát ra tiếng ồn. Đồng thời, bụi bẩn cũng có thể gây hư hại quạt và thậm chí làm tăng nguy cơ cháy nổ do nhiệt độ cao không được kiểm soát. 
  • Mạch điều khiển bị lỗi: thường do các nguyên nhân như dây điện bị đứt, lỗi thiết kế mạch, lập trình không chính xác, hoặc sự cố với các thành phần điện tử như vi mạch và transistor. 
  • Cảm biến nhiệt độ có thể bị hỏng: do lỗi lắp đặt hoặc tiếp xúc lâu dài với môi trường có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, ảnh hưởng của độ ẩm hoặc hóa chất gây ăn mòn,. Sự cố này làm giảm độ chính xác trong đo lường nhiệt độ, ảnh hưởng tới hiệu suất và an toàn của thiết bị.  

Cách khắc phục: 

  • Ngay khi phát hiện mã lỗi E1, bạn hãy tắt bếp và chờ cho đến khi nhiệt độ hạ xuống (10 - 15 phút). Điều này sẽ ngăn ngừa hư hỏng thêm các bộ phận linh kiện bên trong bếp. 
  • Thường xuyên kiểm tra và làm sạch khu vực quanh quạt tản nhiệt, đảm bảo không có bụi bẩn, vật cản hay bất cứ vật gì che khuất, làm cản trở luồng không khí đến quạt. 
  • Chọn nồi có chất liệu dẫn nhiệt tốt  và phù hợp với bếp từ (như nồi làm bằng gang). Tránh sử dụng nồi quá cũ hoặc hư hỏng, vì chúng có thể không dẫn nhiệt đều và gây nóng bất thường. 

Nếu sau khi thực hiện các biện pháp này mà mã lỗi E1 vẫn xuất hiện thường xuyên, bạn có thể cần liên hệ với dịch vụ bảo hành hoặc chuyên gia sửa chữa để kiểm tra chi tiết hơn, vì có thể có vấn đề với hệ thống điều khiển nhiệt hoặc cảm biến của bếp. 

mã lỗi E1

 

Mã lỗi E2 - Nguồn điện đầu vào quá cao hoặc quá thấp 

Lỗi E2 trên các bếp từ thường xuất hiện khi có vấn đề liên quan đến điện áp đầu vào cao hơn mức cho phép (thường là 260-280V so với chuẩn 220V). Điều này có thể gây ra nguy cơ cháy nổ và ảnh hưởng đến sự an toàn của thiết bị và người sử dụng. 

Khi gặp lỗi này, bạn sẽ thấy lỗi E2 xuất hiện trên màn hình LED, được thể hiện qua những chớp nháy liên tục kèm theo tiếng bíp bíp đặc trưng. Bên cạnh đó, các nút cảm ứng trên bếp sẽ không hoạt động; bếp không thể nóng lên và cuối cùng, thiết bị sẽ tự động tắt để đảm bảo an toàn. 

Nguyên nhân gây ra lỗi E2: 

  • Điện áp vào bếp quá cao so với mức an toàn, thường xảy ra trong các giờ cao điểm hoặc khi có sự cố về điện lưới. 
  • Các vấn đề về mạch cảm ứng trong bếp, như cảm biến nhiệt bị hỏng hoặc lỗi từ các vi mạch bên trong. 
  • Dòng điện quá tải do sử dụng nhiều thiết bị điện cùng lúc có thể dẫn đến cầu chì bị đứt. 

Cách khắc phục: 

  • Ngắt nguồn điện của bếp và kiểm tra điện áp đang sử dụng, đảm bảo rằng dòng điện đang ở mức an toàn (220V). Nếu điện áp cao, bạn có thể lắp đặt ổn áp hoặc thay aptomat mới để điều chỉnh dòng điện . 
  • Kiểm tra các bộ phận cảm biến và vi mạch nếu có dấu hiệu hư hỏng hoặc lỗi 
  • Ngoài ra, nếu lỗi E2 không liên quan đến điện áp cao, bạn hãy kiểm tra nồi sử dụng có phù hợp và đặt đúng vị trí trên bếp từ hay không. Đảm bảo nồi có kích thước phù hợp và không để nồi trống trên bếp khi đang bật.  

Nếu sau khi kiểm tra và thử các biện pháp trên mà vẫn không khắc phục được, bạn nên liên hệ với trung tâm bảo hành hoặc kỹ thuật viên chuyên nghiệp để được hỗ trợ kỹ thuật, nhằm tránh làm hỏng bếp nặng hơn 

Mã lỗi E3 - Nguồn điện áp vào bếp quá thấp  

Bếp từ hiển thị mã lỗi E3 xuất hiện khi nguồn điện áp cung cấp cho bếp quá thấp, không đủ mạnh hoặc quá trình tản nhiệt không hiệu quả khiến bếp quá nóng. Điều này có thể dẫn đến bếp tự động ngắt để đảm bảo an toàn.  

Nguyên nhân chính: 

  • Điện áp thấp: Nguồn điện thấp hơn mức yêu cầu (thường dưới 170V) do sử dụng chung ổ cắm với nhiều thiết bị khác nhau. 
  • Cầu chì bị đứt: Dòng điện quá tải do sử dụng nhiều thiết bị điện cùng lúc có thể dẫn đến cầu chì bị đứt. 
  • Không tản nhiệt kịp: Sử dụng bếp từ quá lâu trong điều kiện nhiệt độ cao mà không tản nhiệt kịp thời. 

Cách khắc phục: 

  • Tắt bếp và kiểm tra cầu chì hoặc bộ ngắt mạch, sau đó khởi động lại bếp. 
  • Để đảm bảo nguồn điện ổn định và đủ mạnh, nên sử dụng ổn áp cho bếp từ. 
  • Đảm bảo bếp từ có nguồn điện riêng, không dùng chung ổ cắm với các thiết bị điện khác. 
  • Làm sạch và kiểm tra các linh kiện bếp (như quạt tản nhiệt, cảm biến,..) định kỳ để đảm bảo bếp hoạt động ổn định và an toàn. 
mã lỗi E3

 

Mã lỗi E4 -  Sử dụng bếp ở công suất cao quá nhiều 

Mã lỗi E4 trên bếp từ thường được hiển thị khi bếp gặp phải các vấn đề liên quan đến nhiệt độ vượt mức cho phép 280 độ C. Dưới đây là tổng hợp các nguyên nhân và cách khắc phục cho lỗi này: 

Nguyên nhân của lỗi E4: 

  • Sử dụng bếp trong thời gian dài: Khi bếp hoạt động liên tục ở công suất cao, nhiệt độ có thể vượt quá ngưỡng cho phép (thường là 280°C), dẫn đến báo lỗi E4. 
  • Vị trí lắp đặt không thông thoáng: Nếu bếp từ được đặt tại vị trí kín (Kẹp giữa gần các tủ bếp, không có không gian thông gió phù hợp, gần các bức tường hoặc các thiết bị nhiệt khác,..) nên khó tản nhiệt, sẽ khiến nhiệt độ bếp tăng cao không kiểm soát được. 
  • Hỏng hóc linh kiện: Linh kiện cảm biến nhiệt bị hỏng hoặc lỗi vi mạch điều khiển cũng có thể gây ra lỗi E4. 
  • Cảm biến nhiệt bị bám bẩn hoặc dính thức ăn: Cảm biến nhiệt có nhiệm vụ theo dõi nhiệt độ của bếp từ để đảm bảo rằng nhiệt độ được duy trì ở mức an toàn và hiệu quả, tránh tình trạng quá nóng hoặc quá lạnh. 

Nếu lớp bẩn hoặc các mảnh vụn thực phẩm che phủ cảm biến, thiết bị có thể làm giảm khả năng của cảm biến trong việc phát hiện nhiệt độ chính xác, dẫn đến báo lỗi E4. 

Cách khắc phục lỗi E4: 

  • Nếu bếp quá nóng, bạn cần tắt bếp và để nguội khoảng 30 phút trước khi tiếp tục sử dụng. 
  • Làm sạch cảm biến nhiệt bằng khăn mềm và dung dịch tẩy rửa nhẹ nếu thấy bẩn hoặc có vật cản. 
  • Bếp từ cần được đặt ở vị trí thông thoáng để dễ dàng tản nhiệt. 
  • Để nguồn điện ổn định, bạn có thể cân nhắc lắp đặt ổn áp cho bếp. 

Nếu không tự xử lý được, bạn nên gọi kỹ thuật viên để kiểm tra và sửa chữa, nhất là khi nghi ngờ vấn đề về linh kiện hoặc vi mạch điều khiển. 

mã lỗi E4

 

Mã lỗi E5 - Hỏng IGBT hoặc cảm biến nhiệt độ mặt kính bị lỗi 

Mã lỗi E5 xuất hiện báo hiệu rằng cảm biến nhiệt độ mặt kính bị lỗi hoặc bộ phận sò công suất (IGBT) bị hỏng. 

Lỗi E5 trên bếp từ thường được nhận biết qua các dấu hiệu như mặt bếp quá nóng, hiển thị mã lỗi trên màn hình, hoặc bếp tự động ngắt để ngăn chặn sự hư hại do nhiệt độ cao.  

Nguyên nhân: 

  • IGBT bị quá nhiệt: Cụ thể, IGBT (Insulated Gate Bipolar Transistor) là một thiết bị hoạt động như một công tắc điện tử, điều khiển dòng điện và giúp chuyển đổi năng lượng của bếp từ đến công cụ nấu một cách hiệu quả. Việc IGBT bị quá nhiệt là do linh kiện này không được làm mát kịp thời hoặc lắp đặt không đúng cách dẫn đến không đủ không gian cho sự tản nhiệt. 
  • Lỗi cảm biến nhiệt bị lỗi: khi bị bám bẩn hoặc dính các cặn thức ăn, làm sai lệch kết quả đo nhiệt độ. Ngoài ra, linh kiện này cũng có thể hư hỏng do sử dụng trong thời gian dài hoặc chịu tác động từ môi trường bên ngoài. 

Cách khắc phục lỗi E5: 

  • Khi bếp từ báo lỗi E5, bạn hãy tắt bếp và chờ cho bếp nguội hoàn toàn. Sau đó bật lại để kiểm tra xem lỗi có được khắc phục không. 
  • Hãy đảm bảo rằng quạt thông gió của trong không gian bếp gia đình bạn luôn sạch sẽ, không bám bụi và vệ sinh nếu cần. Ngoài ra, bếp từ nên được đặt trong môi trường thông thoáng, có đủ không gian xung quanh để tản nhiệt hiệu quả. 
  • Kiểm tra các dây kết nối của cảm biến nhiệt độ và IGBT. Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách sửa chữa, bạn nên liên hệ với kỹ thuật viên chuyên nghiệp để được hỗ trợ. 

Nếu các bước này không giải quyết được vấn đề, hoặc nếu lỗi xuất hiện thường xuyên, bạn nên liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để ngăn ngừa hư hại nặng hơn hoặc các nguy cơ an toàn. 

mã lỗi E5

 

Mã lỗi E6 - Bếp gặp phải vấn đề với cảm biến nhiệt 

Cảm biến nhiệt bị hỏng hoặc bếp đang ở nhiệt độ quá cao là những vấn đề dẫn đến lỗi E6. Dấu hiệu của lỗi E6 trên bếp từ thường bao gồm bếp tự động ngắt hoạt động và hiển thị mã lỗi E6 trên màn hình điều khiển, kèm theo tiếng bíp liên tục. 

Nguyên nhân 

  • Cảm biến nhiệt hỏng: Cảm biến không thể theo dõi hoặc điều chỉnh nhiệt độ của bếp một cách chính xác, dẫn đến việc báo lỗi. 
  • Dụng cụ nấu không phù hợp hoặc quá nhiệt: Sử dụng dụng cụ nấu không phù hợp hoặc để nhiệt độ cao quá lâu khiến bếp không thể tản nhiệt kịp thời. 
  • Quạt tản nhiệt bị tắc nghẽn: Quạt giúp tản nhiệt bị tắc do bụi bẩn hoặc có vật cản, làm cho bếp không tản nhiệt được hiệu quả. 

Để khắc phục lỗi E6, bạn có thể thử các bước sau: 

  • Tắt bếp và để nguội bếp. 
  • Kiểm tra và làm sạch quạt tản nhiệt cũng như các khe thông gió. 
  • Đảm bảo rằng dụng cụ nấu phù hợp và không gây quá tải nhiệt cho bếp. 
  • Kiểm tra cảm biến nhiệt và các linh kiện liên quan, có thể cần phải thay thế nếu chúng bị hỏng. 

Nếu các biện pháp tự khắc phục không hiệu quả, bạn nên liên hệ với dịch vụ bảo hành hoặc nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật để được hỗ trợ sửa chữa. 

mã lỗi E6

 

Một số lỗi khác thường gặp ở bếp từ 

Bếp từ không nhận nồi 

Khi bếp từ không nhận nồi, có thể do nhiều nguyên nhân: 

  • Chất liệu nồi không phù hợp: Bếp từ chỉ hoạt động với nồi có đáy từ tính như sắt, thép không gỉ, hoặc gang. Nồi nhôm hoặc đồng thông thường sẽ không được nhận diện trừ khi có lớp phủ dưới đáy nồi làm bằng từ tính.  
  • Bếp hoặc nồi bị bẩn: Bụi bẩn, vết bẩn hoặc mảnh vụn có thể cản trở từ trường tạo nhiệt lên đáy nồi. 
  • Vấn đề về công suất điện của bếp: Khi bếp không nhận diện được nồi, có thể do công suất của bếp không phù hợp với nguồn điện hoặc điện áp khi lắp đặt. 
  • Cảm biến IC bị hỏng: IC (hay mạch tích hợp) là một linh kiện điện tử chịu trách nhiệm điều khiển các chức năng như nhận diện nồi và điều chỉnh nhiệt độ. IC có thể bị hỏng do vài lý do: điện áp không ổn định làm hư hại linh kiện, quá nhiệt do sử dụng liên tục hoặc không đúng cách, hoặc đơn giản là do chất lượng của IC không đủ tốt. Khi IC bị hỏng, bếp từ sẽ không thể hoạt động hiệu quả, có thể không nhận diện được nồi hoặc không nấu ăn được. 
  • Vị trí đặt nồi không đúng, hoặc lệch khỏi vùng nấu của bếp từ. 
  • Đáy nồi không phẳng, bị cong biến dạng 
bếp từ không nhận nồi

 

Cách khắc phục: 

  • Hãy đảm bảo bạn đặt nồi nấu lên bếp từ, sao cho phần giữa đáy nồi trùng khớp với ký hiệu (dấu cộng hoặc vòng tròn) trên mặt kính của bếp. 
  • Bạn có thể kiểm tra bằng cách dùng nam châm để xem loại nồi đang dùng có sử dụng được trên bếp từ không. 
  • Khi lựa chọn bếp từ phù hợp với hiệu điện thế tại Việt Nam, bạn nên chọn những mẫu bếp từ được thiết kế để hoạt động với dải điện áp từ 220-240V 
  • Thay thế cảm biến IC.. 

Bếp từ không nóng 

Nếu bếp từ của bạn không nóng mặc dù bảng điều khiển vẫn hiển thị đèn sáng, thì bạn cần lưu ý những nguyên nhân sau: 

  • Sử dụng sai loại nồi: Bếp từ chỉ hoạt động với nồi có đáy từ tính. Nếu bạn sử dụng nồi không phải làm từ vật liệu từ tính (như nhôm hoặc đồng), bếp không thể truyền nhiệt 
  • Vị trí đặt nồi không chính xác: Bếp từ yêu cầu nồi phải được đặt chính xác trên vùng nấu để cảm biến có thể phát hiện và gia nhiệt. Nếu nồi đặt lệch khỏi vùng nấu, bếp sẽ không nóng   
  • Vấn đề về nguồn điện: Bếp từ cần một nguồn điện ổn định và đủ mạnh để hoạt động. Nếu có sự cố với nguồn điện như dây nguồn lỏng hoặc hư hỏng, hoặc cầu dao tổng gặp vấn đề, bếp có thể không nhận đủ điện để hoạt động. 
  • Bếp từ bị khóa: Nhiều bếp từ có tính năng khóa an toàn để ngăn chặn việc sử dụng không mong muốn, đặc biệt là khi có trẻ em xung quanh. Nếu tính năng này được kích hoạt, bếp sẽ không hoạt động cho dù bảng điều khiển vẫn hiển thị  
  • Lỗi cảm biến hoặc mạch điều khiển: Nếu các cảm biến nhiệt hoặc mạch điều khiển của bếp từ gặp sự cố, bếp có thể không nhận diện được nồi hoặc không thể điều chỉnh nhiệt độ, dẫn đến tình trạng không nóng. 
bếp từ không nóng

 

Để khắc phục các vấn đề khi bếp từ không nóng, bạn có thể thực hiện theo các gợi ý sau: 

  • Chỉ sử dụng nồi từ tính cho bếp từ làm bằng chất liệu như sắt, gang hoặc thép không gỉ 
  • Luôn đặt nồi trực tiếp trên tâm của vùng nấu để đảm bảo bếp có thể phát hiện và gia nhiệt đều 
  • Đảm bảo rằng bếp từ được cắm chặt vào ổ điện và không có vấn đề với dây nguồn hoặc cầu dao tổng. Nếu cần, bạn có thể thử reset nguồn điện bằng cách tắt và bật lại cầu dao 
  • Nếu bếp từ có tính năng khóa an toàn, hãy kiểm tra xem bạn có vô tình kích hoạt tính năng này không. Tham khảo sách hướng dẫn sử dụng để biết cách mở khóa 
  • Nếu bạn nghi ngờ có lỗi từ cảm biến nhiệt hoặc mạch điều khiển, tốt nhất là liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để kiểm tra và sửa chữa 

Bếp từ bị liệt cảm ứng  

Nếu bếp từ của bạn không phản hồi khi chạm vào các nút điều khiển, có thể do một số nguyên nhân sau đây: 

  • Bếp đang ở chế độ khóa: Một số sản phẩm có tính năng khóa an toàn. Nếu bạn vô tình kích hoạt chức năng này sẽ khiến bếp từ bị vô hiệu hóa và không thể hoạt động được. 
  • Vấn đề về nguồn điện: Nguồn điện không ổn định hoặc không đủ mạnh có thể là một nguyên nhân khiến bếp từ không hoạt động đúng cách. 
  • Bảng điều khiển bẩn hoặc bị kẹt: Bụi bẩn hoặc dầu mỡ có thể làm cho bảng điều khiển không nhạy, hoặc làm kẹt nút điều khiển, khiến chúng không thể được nhận biết hoặc nhấn. 
  • Hỏng bảng mạch điều khiển: Nếu sau khi làm sạch bảng điều khiển mà vẫn không khắc phục được vấn đề, có thể bảng mạch điều khiển của bếp từ đã bị hỏng. 
bếp từ bị liệt cảm ứng

 

Cách khắc phục: 

  • Bạn cần kiểm tra và vô hiệu hóa chức năng khóa này bằng cách nhấn giữ nút khóa (thường có biểu tượng khóa) trong vài giây để mở khóa . 
  • Thử reset nguồn điện bằng cách tắt và bật lại cầu dao tổng 
  • Kiểm tra nguồn điện để đảm bảo rằng không có sự cố liên quan đến điện áp thấp hoặc nguồn điện không ổn định. 
  • Vệ sinh bảng điều khiển. Đảm bảo loại bỏ bụi bẩn, dầu mỡ, hoặc bất kỳ chất cản trở nào khác có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phản ứng của các nút cảm ứng . 
  • Nếu các bước trên không hiệu quả, có khả năng cao là bảng mạch điều khiển đã bị hỏng. Bạn nên liên hệ với dịch vụ bảo hành hoặc kỹ thuật viên chuyên nghiệp để kiểm tra và thay thế bảng mạch điều khiển.  

Bếp từ vào điện nhưng không bật được 

Nếu bếp từ của bạn đã được cấp điện nhưng không khởi động được hoặc không có bất kỳ dấu hiệu hoạt động nào, có thể gồm những nguyên nhân sau: 

  • Dây điện, phích cắm, hoặc ổ cắm có thể lỏng lẻo hoặc hỏng. 
  • Bảng điều khiển điện tử của bếp từ có thể bị trục trặc hoặc hỏng. 
  • Cảm biến nhiệt hoặc IC có thể bị lỗi, ngăn không cho bếp khởi động. 
  • Cầu chì bảo vệ trong bếp có thể đã bị đứt, cần thay thế. 
  • Nút nguồn bị hỏng 
bếp từ không hoạt động

 

Cách khắc phục: 

  • Đảm bảo rằng dây điện, phích cắm và ổ cắm bếp từ đều ổn định và không bị hư hỏng. 
  • Nếu bảng điều khiển không hoạt động, bạn có thể cần liên hệ với dịch vụ bảo hành để kiểm tra hoặc thay thế. 
  • Làm sạch quạt và kiểm tra hệ thống tản nhiệt để đảm bảo không có vật cản, bụi bẩn tích tụ 
  • Kiểm tra cầu chì trong bếp và thay thế nếu cần thiết. 

Nếu những biện pháp này không giải quyết được vấn đề, việc liên hệ với chuyên gia sửa chữa hoặc trung tâm bảo hành là lựa chọn tốt nhất để đảm bảo an toàn và hiệu quả của bếp từ. 

Bếp từ bỗng có âm thanh cảnh báo 

Nếu bếp từ của bạn phát ra tiếng bíp, có thể là dấu hiệu của một số vấn đề khác nhau như: 

  • Quá Nhiệt: Đây là nguyên nhân phổ biến khiến bếp bíp để cảnh báo nguy cơ hư hỏng. Khi nhiệt độ của bếp quá cao, bếp sẽ tự động phát ra tiếng bíp để cảnh báo. Điều này thường xảy ra do sử dụng nồi không phù hợp hoặc để bếp hoạt động quá lâu mà không có sự giám sát. 
  • Vấn đề nguồn điện: Nếu nguồn điện không ổn định hoặc dây cắm không được kết nối chặt chẽ, bếp từ cũng có thể phát ra tiếng bíp. Điều này báo hiệu rằng bếp không nhận đủ điện năng để hoạt động bình thường. 
  • Cảm biến hỏng: Cảm Biến Hỏng: Nếu các cảm biến của bếp từ, như cảm biến nhiệt hoặc cảm biến vị trí nồi, gặp sự cố hoặc hư hỏng, bếp có thể phát ra tiếng bíp để cảnh báo.  

Để khắc phục các vấn đề liên quan đến tiếng bíp trên bếp từ, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau đây: 

Giảm quá nhiệt: 

  • Đảm bảo sử dụng nồi phù hợp với bếp từ, có đáy phẳng và làm từ vật liệu từ tính. 
  • Tránh để bếp hoạt động liên tục trong thời gian dài mà không có sự giám sát. 
  • Thường xuyên làm sạch bề mặt bếp để không có vật liệu thừa gây cản trở quá trình truyền nhiệt. 

Kiểm tra nguồn điện 

  • Kiểm tra xem dây điện và phích cắm có bị lỏng hay hư hại không và đảm bảo chúng được kết nối chặt chẽ với ổ cắm có nối đất. 
  • Thử sử dụng ổ cắm khác để kiểm tra xem vấn đề có liên quan đến ổ cắm hiện tại không. 
  • Kiểm tra cầu dao tổng hoặc mạch bảo vệ để đảm bảo không có sự cố về điện. 

Kiểm tra và sửa chữa cảm biến: 

  • Nếu nghi ngờ cảm biến bếp từ có vấn đề, hãy liên hệ với dịch vụ bảo hành hoặc trung tâm sửa chữa chuyên nghiệp để kiểm tra. 
  • Đôi khi chỉ cần reset lại bếp từ bằng cách ngắt nguồn điện và cắm lại sau vài phút có thể giúp giải quyết vấn đề. 

Các sai lầm khi sử dụng bếp từ 

Sử dụng bếp từ một cách hiệu quả và an toàn không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn kéo dài tuổi thọ của thiết bị.  

Tuy nhiên, có một số sai lầm phổ biến mà người dùng thường mắc phải khi sử dụng bếp từ, dẫn đến nhiều rủi ro nguy hiểm ảnh hưởng đến bếp từ và cả cho người sử dụng: 

  • Không sử dụng bếp từ thường xuyên: có thể khiến bụi và bẩn tích tụ, ảnh hưởng đến hiệu suất của bếp. 
  • Dùng nồi không phù hợp với bếp từ: Việc sử dụng nồi không có đáy từ tính không chỉ làm giảm khả năng nấu nướng mà còn có thể gây hại cho bếp. 
  • Bỏ qua việc vệ sinh bếp thường xuyên: Nếu không vệ sinh bếp thường xuyên, dầu mỡ và thức ăn thừa có thể gây ra tình trạng bếp không hoạt động hiệu quả. 
  • Ngắt nguồn điện ngay khi nấu xong: Hành động này có thể làm ảnh hưởng đến hệ thống điện của bếp, đặc biệt khi bếp vẫn còn nóng. 
  • Dùng nhiệt độ cao trong thời gian dài: Việc này không chỉ tiêu tốn năng lượng mà còn có thể làm hư hỏng các linh kiện điện tử của bếp. 
  • Đặt bếp từ gần thiết bị điện tử: dẫn đến nhiễu từ trường, làm hỏng các thiết bị đó. 
  • Vệ sinh bếp ngay lập tức sau khi nấu: Làm sạch bếp khi thiết bị vẫn còn nóng có thể làm nứt hoặc vỡ mặt kính và làm tăng nguy cơ gặp tai nạn bỏng cho người dùng. 

Những sai lầm sử dụng bếp từ rất phổ biến, nếu người dùng không chú ý. Vì vậy, bạn hãy hạn chế các điều trên để sử dụng bếp từ một cách an toàn và hiệu quả hơn, bảo vệ thiết bị và tiết kiệm năng lượng. 

sai lầm khi sử dụng bếp từ

 

Hy vọng qua bài viết này của Hafelehome, bạn đã có thêm những thông tin hữu ích để nắm rõ nguyên nhân và các biện pháp khắc phục bếp từ khi gặp mã lỗi. Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm được thời gian và công sức mà còn có thể đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng bếp từ trong sinh hoạt hàng ngày.

Scroll To Top