Danh mục
Tìm sản phẩm, danh mục hay thương hiệu mong muốn...
Ý tưởng thiết kế

Toàn diện về bếp từ: Cấu tạo, cách hoạt động và công nghệ hiện đại

Toàn diện về bếp từ: Cấu tạo, cách hoạt động và công nghệ hiện đại

Trong những năm gần đây, bếp từ đã trở thành lựa chọn lý nhiều gia đình nhờ vào sự tiện lợi, an toàn và khả năng tiết kiệm năng lượng vượt trội. Bài viết này, Hafelehome sẽ cung cấp bạn cái nhìn toàn diện về cấu tạo, nguyên lý hoạt động và những công nghệ hiện đại được tích hợp trong bếp từ, giúp bạn hiểu rõ hơn về thiết bị này để đưa quyết định chọn mua phù hợp với nhu cầu và không gian bếp của gia đình mình. 

Giới thiệu về bếp từ 

Bếp từ là gì?

Bếp từ là một loại bếp sử dụng công nghệ điện từ để tạo nhiệt và đun nấu thức ăn. Khác với các loại bếp gas hay bếp điện truyền thống, bếp từ hoạt động dựa trên nguyên lý sinh nhiệt từ trường, thông qua một cuộn dây điện từ được gắn dưới mặt kính ceramic của bếp. Khi bật bếp, dòng điện chạy qua cuộn dây tạo ra một từ trường mạnh, khiến cho các electron trong đáy nồi sắt hoặc gang chuyển động nhanh và sinh ra nhiệt, từ đó sinh ra nhiệt. 
Ưu điểm của bếp từ là khả năng đun nấu nhanh, hiệu quả năng lượng cao và an toàn hơn so với bếp gas vì không có ngọn lửa mở. Ngoài ra, bếp từ chỉ tạo nhiệt khi có sự tiếp xúc trực tiếp với dụng cụ nấu từ tính, điều này giúp giảm nguy cơ bỏng và làm cho việc vệ sinh bếp trở nên dễ dàng hơn.  
Giới thiệu về bếp từ

Lịch sử phát triển của bếp từ

Lịch sử phát triển của bếp từ gắn liền với nhiều cải tiến công nghệ qua các thập kỷ: 

  • Giai đoạn Đầu (1970s): Trong những năm 1970 ở Châu Âu, bếp từ bắt đầu được phát triển như một ứng dụng thực tiễn của công nghệ trường từ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, khi dòng điện xoay chiều chạy qua dây dẫn, nó tạo ra trường từ có khả năng sinh nhiệt. Loại nhiệt này phân bố đều và ổn định trên bề mặt, rất thích hợp cho việc đun nấu. 
  • Giai đoạn thử nghiệm và Đắt đỏ (1980s): Sau khoảng thời gian ứng dụng cho thực tế, bếp từ chủ yếu được sử dụng ở các địa điểm sang trọng như nhà hàng và khách sạn cao cấp do có chi phí sản xuất cao và công nghệ phức tạp, 
  • Giai đoạn phổ biến và tiếp cận Thị trường (1990s - 1998): Vào thập niên 1990, giá thành của bếp từ bắt đầu giảm, làm cho các nhà sản xuất bếp từ tìm cách tiếp cận thị trường bán lẻ rộng rãi hơn. Cho đến năm 1998, Electrolux - một công ty sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu, giới thiệu sản phẩm bếp từ đầu tiên dành cho người tiêu dùng tại Thụy Điển, mở ra kỷ nguyên mới cho việc sử dụng bếp từ trong các hộ gia đình ở Châu Âu và Bắc Mỹ. 
  • Giai đoạn phát triển ở Đông Nam Á (2000s - Hiện tại) Trong khi bếp từ đã phổ biến ở Châu Âu và Bắc Mỹ, các nước Đông Nam Á như Việt Nam mới bắt đầu giới thiệu và sử dụng rộng rãi công nghệ này trong vài năm trở lại đây. Nhờ những ưu điểm vượt trội như tiết kiệm năng lượng, an toàn và sạch sẽ, bếp từ dần dần trở thành lựa chọn ưa chuộng trong các gia đình. 
Lịch sử phát triển bếp từ

 

Cấu tạo của bếp từ 

IGBT

IGBT (Insulated Gate Bipolar Transistor) là một linh kiện bán dẫn công suất 3 cực, được sử dụng trong bếp từ và hoạt động như một công tắc điện có thể bật/tắt, giúp kiểm soát chính xác nhiệt độ của bếp, đảm bảo thức ăn được nấu đều và an toàn.  

Cụ thể, IGBT hoạt động bằng cách tạo ra từ trường để kích hoạt quá trình nấu. Từ trường này sau đó tương tác trực tiếp với đáy nồi, làm cho các hạt kim loại bên trong di chuyển nhanh, từ đó tạo ra nhiệt lượng.  

Quá trình này cho phép bếp từ nấu thức ăn mà không cần nhiệt trực tiếp từ ngọn lửa hay thanh nhiệt như các loại bếp khác, giúp tiết kiệm năng lượng và nấu nướng an toàn hơn.  

IGBT

Mặt kính 

Mặt kính bếp từ là thành phần chính tạo nên bề mặt của bếp từ, có tác dụng dẫn truyền nhiệt từ bộ phận làm nóng lên đáy nồi để nấu chín thức ăn. Bộ phận này thường được làm từ loại kính cường lực chịu nhiệt đặc biệt, có khả năng chịu lực, chịu nhiệt cao, chống trầy xước và có khả năng chịu được những cú sốc nhiệt lên đến 700 độ C mà không bị vỡ hay nứt.  

Ngoài ra, mặt kính của bếp từ có độ bền và tính thẩm mỹ cao, mang lại vẻ ngoài sang trọng và hiện đại cho mọi không gian bếp.  

Hiện nay trên thị trường, nhiều sản phẩm bếp từ được trang bị các loại mặt kính đến từ các thương hiệu uy tín khác nhau bao gồm Schott Ceran, EuroKera, Black Hegon, Crystallite,... mỗi loại có những ưu điểm về tính thẩm mỹ, độ bền khác nhau, mang lại nhiều sự lựa chọn cho người dùng.  

Mặt bếp Hafele
 

Bộ phận tản nhiệt 

Bộ phận tản nhiệt là linh kiện được lắp đặt trong bếp từ, gồm 3 thành phần chính: quạt tản nhiệt, thanh tản nhiệt và khe tản nhiệt. Cụ thể: 

  • Quạt tản nhiệt giúp thổi không khí qua các thành phần điện tử để làm mát chúng nhanh chóng.  
  • Thanh tản nhiệt thường làm từ nhôm hoặc vật liệu có khả năng dẫn nhiệt cao, có nhiệm vụ hấp thụ và phân tán nhiệt từ các linh kiện (như mạch điện tử, IGBT,..) nóng bên trong thiết bị.  
  • Khe tản nhiệt được thiết kế để tạo không gian cho luồng không khí đi qua, giúp nâng cao hiệu quả tản nhiệt.  

Khi bếp từ hoạt động ở nhiệt độ cao, hệ thống tản nhiệt sẽ được kích hoạt để nhanh chóng làm giảm nhiệt độ trong bếp, nhằm đảm bảo an toàn và duy trì hiệu suất ổn định trong quá trình sử dụng. Hệ thống này không chỉ ngăn ngừa hỏng hóc do quá nhiệt mà còn bảo vệ các linh kiện điện tử khỏi nhiệt độ cao, giúp kéo dài tuổi thọ của bếp từ. 

Bộ phận tản nhiệt
 

Mâm từ 

Mâm từ trong bếp từ là một cuộn dây điện đặt dưới mặt kính của bếp, có chức năng tạo ra từ trường để làm nóng nồi nấu. Khi bếp từ được bật, dòng điện xoay chiều sẽ chạy qua cuộn dây này, tạo ra từ trường mạnh. Từ trường này sau đó sẽ kích hoạt các dòng điện xoáy (dòng Foucault) trong đáy nồi làm bằng vật liệu từ tính, từ đó tạo ra nhiệt lượng. 

Điều này làm cho bếp từ vượt trội hơn các loại bếp truyền thống về hiệu quả sử dụng năng lượng và độ an toàn, bởi lẽ nhiệt độ chỉ được giới hạn tại đáy nồi giúp giảm thiểu sự thất thoát nhiệt ra môi trường xung quanh. Ngoài ra, mâm từ được thiết kế để phù hợp với nhiều kích cỡ nồi, giúp việc nấu nướng trở nên linh hoạt và tiện lợi hơn. 

Bảng điều khiển 

Bảng điều khiển bếp từ là một thành phần quan trọng, cho phép người dùng điều khiển và kiểm soát các tính năng của bếp. Cụ thể, bộ phận này thường được thiết kế với giao diện thân thiện, có thể là cảm ứng hoặc các nút bấm cơ và thường kèm theo màn hình hiển thị số để người dùng dễ dàng theo dõi các thông số như mức nhiệt độ hiện tại, thời gian nấu đang thiết lập và các chế độ nấu sẵn (đun sôi nhanh, giữ ấm, chiên/ xào,...) 

Bảng điều khiển

 

Bo mạch điều khiển 

Bo mạch điều khiển là bộ phận quan trọng nhất trong cấu tạo của bếp từ, đóng vai trò như bộ não điều khiển mọi hoạt động của bếp. Bo mạch gồm các linh kiện điện tử như vi mạch điều khiển, cảm biến và các mạch phụ trợ khác, giúp điều chỉnh mức độ nhiệt, công suất và các chế độ nấu của bếp chính xác. 

Khi bếp từ được bật, bộ điều khiển điện tử sẽ bắt đầu hoạt động bằng cách thu thập dữ liệu từ các cảm biến nhiệt và từ trường. Từ các thông tin này, cùng với các thiết lập do người dùng nhập vào, bộ điều khiển sẽ tự động điều chỉnh nhiệt độ và công suất phù hợp. 

Ngoài ra, bo mạch điều khiển còn được trang bị các cảm biến giúp theo dõi nhiệt độ của bếp một cách liên tục, để phát hiện các tình trạng bất thường của bếp như quá nhiệt hoặc lỗi thiết bị. Khi nhận biết những vấn đề này, bộ phận sẽ tự động ngắt bếp để ngăn chặn hư hại hoặc các nguy cơ tiềm ẩn, đảm bảo an toàn cho người dùng.  

Nguyên lý hoạt động bếp từ 

Nguyên lý hoạt động của bếp từ khá đơn giản nhưng hiệu quả. Khi bật điện, bếp từ sử dụng một mạch dao động điện LC để tạo ra một từ trường biến thiên trên bề mặt bếp. Nếu có một nồi có đáy từ tính như thép hoặc sắt đặt trên bếp, từ trường này sẽ tạo ra dòng điện Foucault (dòng điện xoáy) trong đáy nồi. Dòng điện này sinh nhiệt mạnh, làm nóng nồi mà không làm nóng bề mặt bếp xung quanh. 

Nhờ cơ chế này, bếp từ có khả năng truyền nhiệt trực tiếp và hiệu quả vào nồi, giúp thức ăn chín nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và năng lượng, đồng thời giảm thiểu sự thất thoát nhiệt ra môi trường xung quanh. 

Tính năng của bếp từ 

Chức năng inverter  

Bếp từ có chức năng Inverter là một công nghệ hiện đại, sử dụng biến tần để điều khiển mạch công suất. Chức năng này cho phép bếp từ điều chỉnh động cơ điện từ một cách linh hoạt, giúp thay đổi tần số, cường độ dòng điện và hiệu điện thế để phù hợp với từng nhu cầu nấu nướng.  

Bếp từ có chức năng Inverter mang lại nhiều lợi ích đáng kể: 

  • Tiết kiệm năng lượng: Công nghệ Inverter giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ từ 20 - 40% so với các bếp từ thông thường. 
  • Nấu nướng hiệu quả hơn: Bếp từ Inverter có khả năng điều chỉnh nhanh chóng và chính xác mức nhiệt cần thiết, giúp việc nấu nướng nhanh và ổn định hơn. 
  • Vận hành êm ái và ổn định: Công nghệ Inverter giúp bếp từ vận hành êm ái hơn, giảm thiểu tiếng ồn và sự rung lắc trong quá trình sử dụng, mang lại cho người dùng trải nghiệm nấu nướng thoải mái hơn. 
  • Tăng tuổi thọ cho bếp: Việc điều chỉnh công suất linh hoạt cũng giúp giảm tải cho hệ thống điện của bếp, từ đó kéo dài tuổi thọ của bếp và giảm chi phí bảo trì. 
Tính năng inverter của bếp từ

 

Chức năng Booster  

Chức năng Booster (P) trên bếp từ là tính năng đặc biệt giúp tăng tốc độ nấu nướng của thiết bị, bằng cách cung cấp một lượng công suất lớn và vượt trội hơn hơn mức thông thường. Nhờ đó, bạn có thể nấu thực phẩm nhanh chóng, hiệu quả cao. Cũng như những tính năng khác trên bếp từ, “Booster” vẫn có những lợi ích và hạn chế riêng: 

Ưu điểm: 

  • Tăng tốc độ đun nấu: Chức năng Booster trên bếp từ giúp tăng tốc độ đun nấu đáng kể, cho phép bếp đạt nhiệt độ cao một cách nhanh chóng. Chẳng hạn, bếp từ có thể đun sôi 1 lít nước chỉ trong khoảng 3 phút. Trong khi đó, các loại bếp ga hoặc bếp điện sẽ có thời gian là 6 phút. 
  • Linh hoạt trong chế biến: Tính năng này rất hiệu quả cho việc nấu các món cần nhiệt cao như xào, luộc, hấp, giúp thực phẩm giữ được độ tươi ngon và dinh dưỡng. 
  • Hiệu suất cao: Cung cấp nhiệt lượng lớn trong thời gian ngắn, giúp nguyên liệu chín đều và nhanh, với công suất cao hơn từ 1,2 đến 1,5 lần so với bếp thông thường. 

Nhược điểm: 

  • Giới hạn thời gian sử dụng: Tính năng này chỉ giới hạn được khoảng 10 phút để tránh tình trạng bếp từ bị quá tải nhiệt hoặc tăng chi phí tiền điện của gia đình. 
  • Rủi ro hỏng bếp và dụng cụ nấu: Nhiệt độ cao đột ngột có thể làm hỏng linh kiện điện tử của bếp hoặc dụng cụ nấu kém chịu nhiệt. 
  • Không phù hợp với mọi món ăn: Không thích hợp cho các món cần thời gian và nhiệt độ ổn định hoặc thấp như kho, hầm, nấu cháo,... 

Chế độ nấu 

Các bếp từ hiện nay được trang bị nhiều chương trình nấu, giúp người dùng thuận tiện và linh hoạt hơn trong việc chuẩn bị các món ăn. Dưới đây là một số chế độ nấu sẵn phổ biến: 

  • Chế độ Lẩu (Hotpot): Chế độ này giúp duy trì nhiệt độ lý tưởng cho món lẩu, đảm bảo nhiệt được phân bố đều khắp nồi, giúp thực phẩm chín một cách đồng đều mà không bị nhừ. 
  • Chế độ Chiên/Xào (Fry): Người dùng chỉ cần đặt chảo lên bếp và bật chế độ này để bếp tự động điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, giúp thực phẩm chín đều và tránh làm nóng dầu ở nhiệt độ quá cao. 
  • Chế độ Nấu Nước (Boil): Được thiết kế để đun sôi nước nhanh chóng, bếp sẽ sử dụng công suất tối đa để nấu và tự động tắt khi nước đã sôi. 
  • Chế độ Hầm/Hấp (Steam/Stew): Phù hợp cho các món hầm hoặc hấp, bếp tự động điều chỉnh nhiệt độ và công suất phù hợp để thực phẩm chín nhưng vẫn giữ được độ ẩm, không bị khô hoặc mất nước. 
  • Chế độ Nấu Cháo: Khi bạn chọn chế độ này, bếp từ sẽ tự động điều chỉnh nhiệt độ và công suất sao cho phù hợp với yêu cầu của món cháo, đảm bảo rằng cháo được nấu một cách đều và ngon nhất có thể. 

Ngoài các chương trình nấu cơ bản, một số bếp từ cao cấp sẽ được trang bị những tính năng hỗ trợ khác như: Keep Warm (Giữ ấm),  Hâm sữa (Milk), Nướng,...  

Hiện nay, các sản phẩm thường có từ 5 đến 9 chế độ nấu sẵn, tùy theo model và nhà sản xuất. Chế độ nấu sẵn này giúp người dùng dễ dàng chuẩn bị các món ăn phức tạp mà không cần phải quá lo lắng về việc điều chỉnh nhiệt độ hoặc công suất nấu . 

Chức năng tự động ngắt  

Chức năng tự động ngắt trên bếp từ là một tính năng an toàn, tự động tắt bếp quá nhiệt hoặc không có nồi trên bếp. Tính năng này hoạt động dựa trên các cảm biến nhiệt để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các rủi ro như cháy nổ, đồng thời giúp tiết kiệm năng lượng cho thiết bị hiệu quả. 

Sau đây là một số trường hợp mà chức năng tự động ngắt được kích hoạt: 

  • Quá nhiệt: Nếu bếp từ phát hiện nhiệt độ của bếp cao hơn ngưỡng an toàn (300 độ C), chức năng tự động ngắt sẽ được kích hoạt để tắt bếp, ngăn chặn nguy cơ cháy nổ. 
  • Không có nồi hoặc nồi không phù hợp: Khi không có nồi trên bếp hoặc các dụng cụ không phải là loại dành cho bếp từ, chức năng này sẽ sẽ tự động ngắt sau một thời gian nhất định. 
  • Quên không tắt bếp: Nếu bếp từ được bật nhưng không sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, chức năng tự động ngắt sẽ kích hoạt để tắt bếp, giúp tiết kiệm năng lượng và đảm bảo an toàn cho người dùng. 
  • Lỗi hệ thống: Nếu phát hiện lỗi từ các cảm biến hoặc mạch điện tử, bếp từ sẽ tự động ngắt để bảo vệ thiết bị khỏi hư hại. 
Chức năng tự động ngắt của bếp từ

 

Chức năng cảnh báo dư nhiệt 

Chức năng cảnh báo nhiệt dư trên bếp từ là tính năng an toàn thông báo cho người dùng về nhiệt độ còn lại (đang nóng trên 65 độ C) trên bề mặt bếp sau khi đã tắt. Điều này cảnh báo người dùng biết và tránh chạm vào bề mặt bếp, từ đó ngăn ngừa nguy cơ bỏng hoặc các tai nạn không mong muốn khác.  

Thông thường, trên bảng điều khiển của bếp từ sẽ hiển thị trên bảng điều khiển với biểu tượng chữ “H” hoặc hình “bàn tay màu đỏ” cho đến khi nhiệt độ giảm xuống một mức an toàn. 

Chức năng cảnh bảo dư nhiệt của bếp từ

 

Ưu và nhược điểm của bếp từ 

Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về những lợi ích và hạn chế của bếp từ để xác định liệu đây có phải là sự lựa chọn phù hợp cho gian bếp của bạn hay không. 

Ưu điểm: 

  • Hiệu quả năng lượng cao: Bếp từ sử dụng công nghệ cảm ứng từ để truyền nhiệt trực tiếp đến đáy nồi, giảm thiểu sự thất thoát nhiệt và tăng hiệu quả năng lượng so với bếp gas và bếp điện. 
  • An toàn: Trong quá trình sử dụng, mặt bếp từ sẽ không nóng lên như bếp gas hoặc bếp điện, làm giảm nguy cơ bỏng và cháy nổ cho gia đình bạn. Ngoài ra, bếp từ thường có các chức năng an toàn như tự động tắt khi quá nhiệt, khóa an toàn... giúp bảo vệ người dùng khỏi những tình huống nguy hiểm. 
  • Nấu ăn nhanh chóng và chính xác: Bếp từ cung cấp nhiệt độ chính xác và có thể điều chỉnh nhiệt độ nhanh chóng, giúp người dùng tiết kiệm thời gian nấu ăn và kiểm soát nhiệt độ tốt hơn  
  • Dễ dàng vệ sinh: Mặt kính phẳng và không nóng của bếp từ dễ dàng vệ sinh hơn so với bếp gas có lưới hoặc bếp điện có cuộn dây. 
  • Độ bền cao: Nhìn chung, bếp từ có tuổi thọ từ 10 đến 20 năm, cao hơn so với bếp điện thường chỉ từ 7 đến 10 năm. Ngoài ra, bếp từ còn được trang bị bề mặt kính ceramic hoặc kính cường lực, có khả năng chịu lực và nhiệt độ lên đến 1000 độ C, đồng thời chống trầy xước và chịu được sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Không cần bảo trì liên tục như bếp gas, bếp từ ít bị tích tụ mỡ và dầu, làm cho việc vệ sinh trở nên dễ dàng hơn 

Nhược điểm: 

  • Giá thành cao: Bếp từ và các dụng cụ nấu nướng phù hợp có thể đắt hơn so với các loại bếp truyền thống. Giá bếp từ hiện nay trên thị trường có sự dao động lớn, từ 500.000 đến 50.000.000 VND tùy theo mẫu mã sản phẩm. Theo báo cáo từ Mordorintelligence (công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn chiến lược ở Ấn Độ), giá bếp từ dự kiến sẽ tăng 6% từ năm 2024 đến 2029. 
  • Yêu cầu dụng cụ nấu đặc biệt: Chỉ sử dụng được với nồi có đáy từ tính (làm từ gang, thép không gỉ,..). Nếu bạn không có các dụng cụ nấu phù hợp như nhôm hoặc đồng, bạn sẽ phải mua thêm nồi mới để sử dụng. 
  • Tiếng ồn: Bếp từ có thể tạo ra tiếng ồn do quạt tản nhiệt và các rung động điện từ, điều này có thể làm phiền một số người. 
  • Dễ bị trầy xước: Mặt kính của bếp từ có thể bị trầy xước nếu không cẩn thận khi sử dụng nồi gang hoặc thép. 

So sánh bếp từ, bếp ga và bếp điện  

Nếu bạn đang phân vân không biết nên chọn mua bếp từ, bếp ga hay bếp hồng ngoại, hãy cùng Hafelehome xem xét các tính năng và đặc điểm của từng loại bếp để đưa ra quyết định tốt nhất cho không gian bếp của bạn. 

Tiêu chí 

Bếp từ 

Bếp ga 

Bếp hồng ngoại 

Công suất 

Cao nhất (1,6 – 2kW) 

Trung bình (13kW) 

Cao ( 1,6 – 2kW) 

Thời gian đun nấu 

Nhanh nhất (3-4 phút/ lít nước) 

Nhanh (khoảng 7 phút/ lít nước) 

Nhanh (8 - 9 phút/ lít nước) 

An toàn sử dụng 

An toàn cao (không nóng bề mặt) 

Có nguy cơ cháy nổ 

An toàn (bề mặt nóng) 

Chi phí lắp đặt  

Cao (do công nghệ phức tạp hơn ) 

Tương đối (bởi cần hệ thống đường ống dẫn ga)  

Chi phí lắp đặt thấp nhất 

Chi phí sửa chữa 

Thấp do ít hư hỏng. 

Bảo trì định kỳ để đảm bảo an toàn. 

Dễ dàng sử dụng và bảo trì. 

Tính linh hoạt dụng cụ 

Chỉ nồi làm từ vật liệu từ tính (như thép không gỉ hoặc gang) 

Tất cả loại nồi 

Tất cả loại nồi, nhưng hiệu quả nấu nướng có thể giảm nếu dụng cụ không phù hợp 

Độ bền 

10 năm (cần cẩn thận do bề mặt bằng kính gốm có thể bị trầy xước và nứt nếu không được bảo trì đúng cách) 

10 đến 15 năm (làm từ các vật liệu bền như thép không gỉ và gang, có khả năng chịu nhiệt độ cao) 

8 - 10 năm ( bề mặt có thể bị xước hoặc hư hại do sử dụng sai loại nồi)   

Thân thiện môi trường 

Cao (Thân thiện hơn với môi trường do sử dụng điện và không thải khí độc hại.) 

Thấp (Phát thải khí CO2 và khí metan trong quá trình đốt cháy) 

Cao (Thân thiện hơn với môi trường do sử dụng điện và không thải khí độc hại) 

Giá tham khảo 

khoảng từ 3 – 30 triệu đồng 

khoảng 650 - 4 triệu đồng 

khoảng 650 - 7 triệu đồng 

 Tùy vào nhu cầu và điều kiện sống của từng gia đình, mỗi loại bếp sẽ mang những ưu và nhược điểm khác nhau. Bếp từ sẽ phù hợp với những gia đình yêu thích công nghệ hiện đại, ưu tiên sự an toàn và mong muốn tiết kiệm năng lượng.  

Ngược lại, bếp ga thường được ưa chuộng bởi những người thích sự điều chỉnh nhiệt độ nhanh chóng và trực tiếp, mang đến cảm giác nấu nướng truyền thống. Còn bếp hồng ngoại sẽ phù hợp với những ai đang tìm kiếm giải pháp tiết kiệm chi phí ban đầu. 

Kinh nghiệm chọn mua bếp từ  

Các yếu tố chọn mua bếp từ phù hợp với gia đình bạn 

Trong hướng dẫn này, Hafelehome sẽ cung cấp những thông tin quan trọng và các tiêu chí cần xem xét khi mua bếp từ, từ công nghệ, thiết kế, đến tính năng và giá cả, giúp bạn đưa ra quyết định phù hợp, đảm bảo bạn sẽ hài lòng với lựa chọn của mình. 

  • Công suất bếp: Công suất càng cao, khả năng nấu nhanh càng tăng nhưng cũng sẽ tiêu thụ nhiều điện năng hơn. Các bếp từ hiện nay có công suất dao động từ 1.000W đến 10.000W. Đối với đa số gia đình, bếp từ có công suất từ 1.500W đến 4.000W thường là sự lựa chọn lý tưởng, vì sản phẩm cân bằng tốt giữa hiệu quả nấu nướng và mức tiêu thụ điện năng. 
  • Không gian bếp và số lượng vùng nấu: Đối với những không gian nhỏ như căn hộ studio hoặc phòng trọ, bếp từ đơn sẽ là lựa chọn lý tưởng. Trong khi đó, bếp từ đôi sẽ phù hợp với các gia đình từ 2-4 người và có không gian bếp vừa phải. Đối với những không gian bếp lớn hơn, bếp từ ba vùng nấu trở lên là sự lựa chọn tốt cho các gia đình đông thành viên. 
  • Nhu cầu nấu nướng và tính năng sản phẩm: Nếu bạn thường nấu những món đơn giản, việc chọn mua bếp từ đơn hoặc đôi với tính năng cơ bản sẽ giúp tiết kiệm chi phí. Ngược lại, nếu bạn muốn quá trình nấu ăn trở nên nhanh chóng, bạn nên chọn các mẫu bếp 3-4 vùng nấu với các tính năng tiên tiến như chế độ nấu sẵn, booster, khóa an toàn... sẽ giúp nâng cao hiệu quả nấu nướng. 
  • Ngân sách: Trong trường hợp bạn cần một sản phẩm có mức giá vừa phải, các thương hiệu như Sunhouse, Kangaroo, Canzy, Taka là lựa chọn phù hợp. Giá của những sản phẩm này dao động từ dưới 1,5 -10 triệu đồng tùy vào tính năng và số lượng vùng nấu. Ngược lại, nếu bạn cần bếp từ với các tính năng hiện đại, chất lượng cao, bạn có thể cân nhắc các sản phẩm nhập khẩu từ Hafele, Malloca, Teka, và Bosch với mức giá từ 11 - 50 triệu đồng. 
Các yếu tố chọn mua bếp từ phù hợp với gia đình

 

So sánh các loại bếp từ 

Bảng so sánh này cung cấp cái nhìn tổng quan về các loại bếp từ phổ biến nhất hiện nay, giúp bạn cân nhắc lựa chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng và không gian bếp của mình. 

Loại Bếp Từ 

Ưu Điểm 

Nhược Điểm 

Bếp từ đơn 

- Tiết kiệm không gian, phù hợp với không gian nhỏ. 

- Thường rẻ hơn so với các loại bếp khác. 

- Chỉ có một vùng nấu, hạn chế khi nấu nhiều món cùng lúc. 

- Không thích hợp cho gia đình đông người. 

Bếp từ đôi 

- Có hai vùng nấu, linh hoạt hơn bếp đơn. 

- Phù hợp với hầu hết các gia đình. 

- Chiếm nhiều không gian hơn bếp đơn. 

- Giá cao hơn bếp đơn. 

Bếp từ ba vùng nấu 

- Tăng khả năng nấu nhiều món cùng lúc. 

- Thích hợp cho gia đình từ 4 người trở lên hoặc nấu ăn thường xuyên. 

- Chiếm không gian lớn, cần bếp rộng. 

- Có giá thành cao nhất trong các loại bếp từ. 

Bếp từ âm 

- Thiết kế sang trọng, gọn gàng với mặt phẳng tạo tính thẩm mỹ. 

- Không chiếm không gian bên trên mặt bếp. 

- Khó khăn trong việc lắp đặt và bảo trì. 

- Cần chuyên gia để lắp đặt đúng cách. 

 So sánh thương hiệu bếp từ 

Lựa chọn một thương hiệu uy tín không chỉ đảm bảo bạn sở hữu một chiếc bếp từ hiệu quả và an toàn mà còn có thể hưởng lợi từ dịch vụ sau bán hàng tốt và bảo hành dài hạn. 

Thương hiệu 

Xuất xứ 

Một số điểm nổi bật 

Phân khúc thị trường 

Giá tham khảo 

Hafele 

Đức 

- Được sản xuất từ thương hiệu có lịch sử 100 năm lâu đời 

- Đa dạng mẫu thiết kế với nhiều tính năng hiện đại 

Trung - cao cấp 

15-30 triệu VND 

Bosch 

Đức 

- Đến từ một trong những tập đoàn công nghệ lớn tại Đức 

- Trang bị một số tính năng nổi bật như: Chức năng Power Booster (tăng công suất lên đến 50%), chức năng Perfect Cook,.. 

Cao cấp 

20-50 triệu VND 

Pramie 

Đức 

- Chất lượng bền bỉ, thiết kế hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến  

Trung cấp 

10-20 triệu VND 

Junger 

Đức 

- Các sản phẩm luôn theo phong cách thiết kế tối giản và gam màu đen huyền bí 

- Thiết kế hiện đại, dễ sử dụng, hiệu suất ổn định 

Trung cấp 

8-15 triệu VND 

Malloca 

Tây Ban Nha 

- Thiết kế tinh tế, hiệu quả năng lượng tốt 

Trung - cao cấp 

12-25 triệu VND 

Teka 

Tây Ban Nha 

- Chất lượng bền bỉ, chuyên nghiệp, thiết kế sang trọng  

Trung - cao cấp 

15-35 triệu VND 

Electrolux 

Thụy Điển 

- Được sản xuất bởi thương hiệu có lịch sử từ năm 1918 

- Nổi tiếng sản xuất các sản phẩm có thiết kế thẩm mỹ, chất lượng cao và thân thiện với môi trường 

Trung - cao cấp 

10-20 triệu VND 

Kangaroo 

Việt Nam 

- Các sản phẩm chủ lực bao gồm bếp đơn và bếp đôi 

- Giá cả phải chăng, độ tin cậy cao, phù hợp với nhiều gia đình Việt  

Thấp đến trung cấp 

5-12 triệu VND 

Sunhouse 

Việt Nam 

- Chất lượng ổn định, nhiều tính năng cơ bản, đáng tin cậy  

Trung cấp 

6-15 triệu VND 

Faster 

Việt Nam 

- Khả năng đun nóng nhanh, tiết kiệm năng lượng 

Trung cấp 

7-18 triệu VND 

 Những thương hiệu trên đều có những sản phẩm bếp từ chất lượng cao, được đánh giá cao về hiệu suất, an toàn và thiết kế hiện đại. Đặc biệt, các thương hiệu đến từ Đức như Häfele, Bosch, Pramie và Junger luôn dẫn đầu về công nghệ và chất lượng, trong khi các thương hiệu Việt Nam như Kangaroo, Sunhouse và Faster ngày càng phát triển và cải thiện để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. 

Kích thước các loại bếp từ 

Sau đây là bảng tổng quan về các kích thước cho từng loại bếp từ dựa trên thiết kế vùng nấu, giúp bạn lựa chọn được sản phẩm phù hợp với không gian bếp nhà mình. 

Loại Bếp Từ 

Chiều Ngang 

Chiều Dọc 

Chiều Cao 

Bếp từ đơn 

27 – 29 cm 

35.5 – 38 cm 

4 – 7.5 cm 

Bếp từ đôi 

58 - 73 cm 

34.5 - 45 cm 

4.5 - 8.2 cm 

Bếp từ 3 vùng nấu (Vuông) 

58 - 62 cm 

51 - 53 cm 

6 - 7.5 cm 

Bếp từ 3 vùng nấu (Chữ nhật) 

77 - 80.5 cm 

43 - 52 cm 

6 - 6.8 cm 

Bếp từ 4 vùng nấu 

59 - 78 cm 

52 - 53.5 cm 

4.4 - 6.5 cm 

 Ngoài ra, khi chọn kích thước bếp từ phù hợp với không gian bếp, bạn cần đo kỹ khu vực dành cho bếp để đảm bảo bếp mới lắp vừa khít và hài hòa. Đồng thời, bạn cần kiểm tra kích thước khoét đá theo đề xuất của nhà sản xuất để tránh vấn đề khi lắp đặt.  

Hướng dẫn sử dụng bếp từ 

Các bước sử dụng bếp từ 

Để sử dụng bếp từ đúng cách và an toàn, bạn có thể tuân theo 5 bước đơn giản sau đây: 

  • Bước 1 - Đặt nồi vào đúng tâm của vùng bếp: Đảm bảo nồi hoặc chảo bạn sử dụng phải có đáy từ tính và phẳng. Đặt nồi đúng tâm vùng nấu trên bếp từ sẽ giúp nhiệt được phân bố đều, nấu thức ăn nhanh và tiết kiệm năng lượng. 
  • Bước 2 - Cắm điện, bếp sẽ phát ra âm thanh “bíp” báo hiệu: Khi cắm điện, bếp từ sẽ phát ra âm thanh bíp, đây là dấu hiệu báo bếp đã sẵn sàng để sử dụng.  
  • Bước 3 - Nhấn nút ON để mở bếp: Tiếp theo, bạn nhấn nút ON hoặc power để khởi động bếp. Một số mẫu bếp từ có thể có màn hình hiển thị hoặc các đèn LED báo hiệu trạng thái hoạt động của bếp. 
  • Bước 4 - Điều chỉnh nhiệt độ và công suất: Bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ và công suất cho phù hợp với từng loại thức ăn và cách thức nấu bằng cách sử dụng các nút tăng hoặc giảm. Điều này giúp bạn tối ưu hóa mức năng lượng cần thiết cho mỗi món ăn mà bạn đang chuẩn bị. 
  • Bước 5 - Ấn nút OFF để bếp ngừng hoạt động sau khi nấu xong: Sau khi nấu xong, bạn nhấn nút OFF để tắt bếp. Sau đó bạn nên chờ cho bếp nguội hoàn toàn trước khi tiến hành vệ sinh bếp. 
Các bước sử dụng bếp từ

 

Bếp từ dùng nồi gì? 

Bếp từ sử dụng nồi có đáy có khả năng hấp thụ từ trường, như thép không gỉ có hàm lượng sắt cao, nồi gang, hoặc các loại nhôm và đồng được phủ một lớp đáy từ. Bên cạnh đó, bạn nên tránh sử dụng nồi làm từ nhôm nguyên chất, nồi đồng, nồi thủy tinh hoặc gốm sứ.  

Để kiểm tra khả năng tương thích của nồi với bếp từ, bạn có thể dùng một miếng nam châm để xem nó có bị hút vào đáy nồi không; nếu có, nồi đó phù hợp để sử dụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể kiểm tra nhãn dưới đáy nồi để xác định khả năng tương thích với bếp từ. Nếu thấy ký hiệu hình vòng dây hoặc dòng chữ "induction ready" hoặc "induction compatible," nồi đó sẽ phù hợp để sử dụng trên bếp từ. 

Bếp từ dùng nồi gì?

 

Những lỗi thường gặp khi sử dụng bếp từ và cách khắc phục 

Sai lầm mắc phải khi sử dụng bếp từ 

Khi sử dụng bếp từ, có một số sai lầm phổ biến mà người dùng có thể mắc phải, ảnh hưởng đến hiệu quả và an toàn của thiết bị. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý: 

  • Sử dụng dụng cụ nấu không phù hợp: Bếp từ chỉ hoạt động với dụng cụ nấu có đáy từ tính. Việc sử dụng nồi, chảo không phù hợp không những làm giảm hiệu quả nấu nướng mà còn có thể gây hư hỏng bếp. 
  • Đặt dụng cụ nấu không đúng kích cỡ với vùng nấu: Mỗi vùng nấu trên bếp từ có kích thước nhất định. Sử dụng dụng cụ nấu quá lớn hoặc quá nhỏ so với vùng nấu không chỉ làm giảm hiệu quả nấu nướng mà còn tiêu tốn năng lượng không cần thiết. 
  • Không vệ sinh bếp thường xuyên: Mặt bếp từ dễ bị bám bẩn từ thức ăn tràn ra trong quá trình nấu. Nếu không vệ sinh thường xuyên, các vết bẩn có thể ăn mòn mặt kính và làm giảm hiệu quả của bếp. 
  • Sử dụng bếp ở chế độ công suất cao liên tục: Điều này không chỉ tiêu tốn điện năng mà còn có thể làm giảm tuổi thọ của bếp. Hãy điều chỉnh mức công suất phù hợp với từng loại thực phẩm và công đoạn nấu để đạt hiệu quả tối ưu. 

Tránh các sai lầm này sẽ giúp bạn sử dụng bếp từ một cách hiệu quả và an toàn hơn. 

Sai lầm mắc phải khi sử dụng bếp từ

 

Mã lỗi thường gặp ở bếp từ 

Mã lỗi trên bếp từ là những thông báo được thiết kế để cảnh báo người dùng về các sự cố hoặc trục trặc trong hoạt động của bếp. Dưới đây là một số mã lỗi thường gặp ở các bếp từ và ý nghĩa của chúng: 

  • E0 hoặc E1: Thông báo rằng không có dụng cụ nấu hoặc dụng cụ nấu không phù hợp đặt trên bếp. Đây là lỗi phổ biến khi sử dụng nồi hoặc chảo không từ tính trên bếp từ. 
  • E2: Báo hiệu quá nhiệt. Khi cảm biến nhiệt trên bếp cảm nhận được nhiệt độ quá cao, mã lỗi này sẽ hiển thị. Lúc này bạn cần giảm công suất bếp xuống mức độ phù hợp. 
  • E3: Lỗi này cho biết có vấn đề với nguồn điện, có thể là điện áp quá thấp hoặc quá cao so với yêu cầu của bếp. 
  • E4: Báo lỗi về mạch điều khiển hoặc cảm biến. Để khắc phục vấn đề này, bạn cần 
  • E5: Lỗi này thường liên quan đến điện áp không ổn định hoặc quá cao, cần kiểm tra nguồn điện hoặc liên hệ với dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật. 
  • E6: Lỗi này thông báo rằng cảm biến nhiệt của bếp từ đang gặp sự cố, có thể do cảm biến bị hỏng hoặc do lắp đặt không chính xác. Để khắc phục, bạn nên kiểm tra xem cảm biến có bị lỗi kết nối hoặc hư hại không, để sửa chữa và đảm bảo bếp hoạt động ổn định trở lại. 
  • E7: Lỗi liên quan đến IC hoặc mạch điều khiển chính. Lỗi này đòi hỏi sự can thiệp của nhân viên kỹ thuật để kiểm tra và sửa chữa. 

Khi gặp bất kỳ mã lỗi nào, việc đầu tiên bạn nên làm là kiểm tra hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để hiểu rõ nguyên nhân và các bước khắc phục. Nếu không tự xử lý được, bạn nên liên hệ với dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật để được hỗ trợ sửa chữa hoặc thay thế phù hợp. 

Bảo dưỡng và bảo trì bếp từ 

Mẹo vệ sinh bếp từ 

Vệ sinh bếp từ đúng cách không chỉ giúp bảo vệ thiết bị mà còn đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình sử dụng. Dưới đây là một số mẹo vệ sinh bếp từ mà bạn có thể áp dụng: 

  • Vệ sinh ngay sau khi sử dụng: Để tránh các vết bẩn khô lại và khó tẩy, bạn hãy lau chùi bếp ngay sau khi nấu ăn. Sử dụng khăn mềm, ẩm để lau sạch bề mặt bếp. 
  • Sử dụng dung dịch làm sạch chuyên dụng: Khi chọn dung dịch làm sạch chuyên dụng cho bếp từ, bạn nên tìm những sản phẩm đến từ thương hiệu Elmie, IH-Cleaner, Cera Clen,... được thiết kế đặc biệt để sử dụng với mặt kính ceramic bếp từ, giúp loại bỏ hiệu quả các vết bẩn. 
  • Tránh sử dụng các chất tẩy rửa mạnh: Các chất tẩy rửa có tính ăn mòn cao như bột tẩy rửa hoặc các hóa chất có chứa chlorine có thể làm hỏng mặt kính của bếp. Thay vào đó, bạn nên sử dụng các chất tẩy nhẹ hoặc các hỗn hợp tự nhiên như chanh, baking soda hoặc giấm trắng pha loãng để vệ sinh bếp. 
  • Dùng dao cạo mềm: Đối với các vết bẩn cứng đầu, bạn có thể sử dụng dao cạo chuyên dụng để loại bỏ mà không làm trầy xước bề mặt bếp. Tránh sử dụng dụng cụ sắc nhọn như dao hoặc kéo để cạo các vết bẩn trên bếp từ vì chúng có thể làm xước mặt bếp. 
Mẹo vệ sinh bếp từ

 

Hướng dẫn bảo dưỡng bếp từ định kỳ 

Việc vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ cho bếp từ cần được thực hiện đúng cách để đảm bảo hiệu suất và tuổi thọ của thiết bị.  

  • Vệ sinh hàng ngày: Sau mỗi lần sử dụng, bạn nên lau sạch bề mặt bếp từ bằng khăn mềm và dung dịch tẩy rửa nhẹ. Điều này giúp tránh tích tụ bẩn và vết bám. 
  • Kiểm tra lỗ thông hơi hàng tháng: Mỗi tháng, bạn nên kiểm tra và làm sạch lỗ thông hơi của bếp để đảm bảo không có bụi bẩn hoặc các vật thể khác làm tắc nghẽn, ảnh hưởng đến khả năng tản nhiệt của bếp. 
  • Kiểm tra kết nối điện định kỳ 6 tháng một lần: Đảm bảo rằng các kết nối điện và dây cáp không bị lỏng lẻo hoặc hư hại. Điều này giúp ngăn ngừa sự cố điện và đảm bảo an toàn sử dụng. 
  • Gọi thợ kiểm tra bảo dưỡng hàng năm: Nếu bạn muốn thiết bị kéo dài được tuổi thọ hơn, bạn nên gọi một thợ điện hoặc chuyên gia bảo dưỡng đến kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, các bộ phận điện tử trong bếp từ và đánh giá chung tình trạng của bếp trong vòng 1 năm sử dụng để kịp thời thay thế và sửa chữa. 
  • Thay thế linh kiện: Một số linh kiện như quạt tản nhiệt hoặc mạch điều khiển có thể cần được thay thế sau một thời gian sử dụng. Việc này thường do chuyên gia bảo dưỡng đánh giá và thực hiện trong các buổi kiểm tra hàng năm. 

Hy vọng rằng thông qua bài viết này của Hafelehome, bạn đã có cái nhìn chi tiết và đầy đủ về bếp từ, từ cấu tạo đến các tính năng công nghệ cao mà thiết bị mang lại. Việc hiểu rõ về bếp từ không chỉ giúp bạn lựa chọn sản phẩm phù hợp mà còn giúp bạn sử dụng bếp từ một cách hiệu quả và an toàn.  

Scroll To Top